Quy hoạch điện VIII khó đáp ứng nhu cầu xin bổ sung của các địa phương
Các địa phương đang xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII tới 283.000 MW nên lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói “khó đáp ứng hết”.
Dự thảo quy hoạch điện trước đây dự kiến có 180.000 MW năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) nhưng sau rà soát, hiện giảm về còn 140.000 MW. Nhưng hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp lại đăng ký xin bổ sung quy hoạch lên tới 283.000 MW.
Tại họp báo thường kỳ chiều 12/1, ông Bùi Quốc Hùng, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho hay với nhu cầu bổ sung lớn như vậy, sẽ phải chọn các dự án trên cơ sở tính toán cân đối giữa các nguồn điện, cân đối cung cấp và nhu cầu phụ tải theo từng vùng, khu vực.
Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nói thêm về về tính bất định của một số loại nguồn điện năng lượng tái tạo, như điện mặt trời chỉ huy động trong một số thời điểm trong ngày. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo đã phát triển nhiều thời gian qua, với công suất khoảng 17.000 MW trong tổng công suất nguồn điện.
Trong số đề nghị của các địa phương, công suất điện gió ngoài khơi muốn đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 110.000 MW. Tại bản dự thảo cập nhật mới nhất của quy hoạch VIII, Bộ Công Thương đưa ra kịch bản phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ tăng lên khoảng 40.000 MW vào năm 2045.
Do những đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi, ở góc độ nhà đầu tư, theo ông Soren Ranneries, Giám đốc cấp cao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn COP, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cần được xem xét trên kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự của các nhà đầu tư ở các thị trường khác. Cũng như kế hoạch về chuỗi cung ứng cho dự án, chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Ông này lấy dẫn chứng tại Anh, nhà đầu tư dự án nếu muốn thực hiện dự án cần đưa ra các cam kết về chi phí. Hay tại Đan Mạch, nhà phát triển cần đưa ra những cam kết nhất định về việc phát triển dự án và hoàn thành dự án đúng hạn.
Với Đài Loan, thị trường được đánh giá có những điều kiện kỹ thuật tương đồng với Việt Nam, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners, cho biết muốn được đầu tư dự án nhà đầu tư phải khảo sát, đánh giá tác động môi trường, chứng minh năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án và đưa ra các cam kết cụ thể về dự án. Điều này được thể hiện bằng các hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ.
Với tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lớn lên tới 512.000 MW khi tốc độ gió trung bình hằng năm tới 6m/s, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, GWEC) tính toán Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10 GW vào năm 2030.
“Phát triển với quy mô công suất đủ lớn sẽ giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế”, ông Mark nhấn mạnh.
Anh Minh
vnexpress.net